Giỏ hàng

XE CHỮA CHÁY - NHÀ CUNG CẤP VÀ KHÁCH HÀNG CẦN LƯU Ý.

Hiện nay, trên thị trường xuất hiện rất nhiều các đơn vị, doanh nghiệp tham gia sản xuất, lắp ráp và kinh doanh buôn bán xe chữa cháy. Nhưng rất nhiều đơn vị doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện pháp lý dể sản xuất hay kinh doanh mặt hàng này, vậy đâu là điều cần lưu ý cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh và khách hàng cần quan tâm gì? Chúng ta cũng tìm hiểu.

Căn cứ pháp lý

Khoản 1 Điều 9a Luật PCCC quy định:

Kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, bao gồm:

a) Tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm định, tư vấn giám sát; tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật; thi công, lắp đặt hệ thống phòng cháy và chữa cháy; tư vấn chuyển giao công nghệ phòng cháy và chữa cháy; sản xuất, lắp ráp phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy.

b) Huấn luyện, hướng dẫn về nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy.

c) Kinh doanh phương tiện, thiết bị, vật tư phòng cháy và chữa cháy.

Điều kiện pháp lý để có thể sản xuất, lắp ráp và kinh doanh phương tiện PCCC

Khoản 2 Điều 9a Luật PCCC quy định:

Kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Người đứng đầu doanh nghiệp và người đại diện theo pháp luật của cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy phải có văn bằng, chứng chỉ phù hợp với hoạt động kinh doanh.

b) Có cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động kinh doanh.

c) Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều kiện cụ thể đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, lắp ráp phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy

Điều 44 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP quy định:

1, Người đứng đầu doanh nghiệp và người đại diện theo pháp luật của cơ sở phải có văn bằng, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy.

2, Có ít nhất 01 người có trình độ đại học chuyên ngành về phòng cháy và chữa cháy hoặc trình độ đại học chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực kinh doanh, đã qua lớp bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy ít nhất 06 tháng.

3, Có địa điểm hoạt động; có nhà xưởng, phương tiện, thiết bị bảo đảm cho hoạt động sản xuất, lắp ráp phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy.

Điều kiện cụ thể đối với doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh phương tiện, thiết bị, vật tư phòng cháy và chữa cháy

Điều 45 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP quy định:

1, Người đứng đầu doanh nghiệp và người đại diện theo pháp luật của cơ sở phải có văn bằng, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy.

2, Có ít nhất 02 người có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với hoạt động kinh doanh.

3, Có địa điểm hoạt động và cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị bảo đảm cho hoạt động kinh doanh phương tiện, thiết bị, vật tư phòng cháy và chữa cháy.

Khi các doanh nghiệp, cơ sở không đáp ửng đủ điều kiện

Điều 50 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP quy định:

Doanh nghiệp, cơ sở không đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Nghị định này thì phải chấm dứt kinh doanh về lĩnh vực này.

Điều 45  Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định:

1, Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi của đơn vị thiết kế về phòng cháy và chữa cháy mà không đủ tư cách pháp nhân, năng lực chuyên môn kỹ thuật theo quy định.

2, Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy khi chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất, chuyên môn kỹ thuật, chưa được đào tạo hoặc tập huấn nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy theo quy định

3, Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi hoán cải xe ô tô chữa cháy, tàu, thuyền chữa cháy chuyên dùng khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.

4, Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi của đơn vị thi công, lắp đặt hạng mục phòng cháy và chữa cháy mà không đủ tư cách pháp nhân, năng lực chuyên môn kỹ thuật theo quy định.

Xe chữa cháy là 1 phương tiện phòng cháy chữa cháy nên để sản xuất, lắp ráp và kinh doanh mặt hàng này cần lưu ý

A. ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT, LẮP RÁP VÀ KINH DOANH

1, Phải có đầy đủ các văn bằng, chứng chỉ về phòng cháy và chữa cháy được quy định rõ tại Điều 47 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP.

2, Phải tiến hành nộp hồ sơ, thủ tục xin xác nhận đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp và  kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy theo Điều 48 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP. 

3, Trách nhiệm quản lý, sử dụng, xin đổi cấp...giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy quy định theo Điều 49 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP và Điều 19 Thông tư số 66/2014/TT-BCA.

B. ĐỐI VỚI KHÁCH HÀNG

1, Nên tìm hiểu và lựa chọn các nhà cung cấp đáp ứng đủ các điều kiện pháp lý mà luật đã quy định (Yêu cầu nhà cung cấp phải có các tài liệu chứng minh đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp và kình doanh phương tiện phòng cháy và chữa cháy).

2, Yêu cầu nhà cung cấp khi bàn giao phương tiện phải có "GIẤY CHỨNG NHẬN KIỂM ĐỊNH PHƯƠNG TIỆN PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY'' kèm tem kiểm định cho phương tiện đang bàn giao.

3, Yêu cầu nhà cung cấp có tổ chức tập huấn, hướng dẫn vận hành cho lực lượng PCCC cơ sở của Quý Khách.

4, Yêu cầu nhà cung cấp phải có đầy đủ CO,CQ, tờ khai nhập khẩu.... của các thiết bị chính như Bơm chữa cháy, PTO, Đèn quay, Súng phun cố định...để có thể xác định được nguồn gốc xuất xứ của các thiết bị chính hãng hay không. 

Trên đây là một vài lưu ý dành cho khách hàng cũng như các doanh nghiệp tham gia sản xuất lắp ráp và kinh doanh các phương tiện phòng cháy và chữa cháy. 

Kính chúc khách hàng lựa chọn được các nhà cung cấp tận tâm - uy tín, chúc các doanh nghiệp luôn ''Cùng tồn tại - Cùng phát triển''

 

Danh mục tin tức

Từ khóa

Được hỗ trợ bởi Dịch