Giỏ hàng

CÓ CẦN QUY ĐỊNH RIÊNG CHO DỊCH VỤ CỨU HỘ GIAO THÔNG?

Cứu hộ giao thông là nghề mới và sự phát triển ở các vùng miền là khác nhau, chất lượng cung cấp dịch vụ có chỗ này chỗ khác, chỗ tốt chỗ xấu. Nếu không may gặp phải những đơn vị kinh doanh làm ăn không đàng hoàng, tranh thủ thì sẽ tạo thành bức xúc và đột biến về mặt giá cả Không phải đến khi ngành Giao thông Hà Nội yêu cầu kê khai về giá đối với dịch vụ cứu hộ giao thông thì những khúc mắc liên quan đến loại dịch vụ này mới được đề cập. Nó đã tồn tại nhiều năm trước, xuất phát từ chính những bức xúc của khách hàng về tình trạng “loạn giá”, “loạn thông tin”, cũng như từ chính nhu cầu phát triển lành mạnh của các doanh nghiệp, cá nhân cung ứng dịch vụ này. Và nó cũng xuất phát từ một thực tế: các quy định pháp luật đối với dịch vụ này đang ở trạng thái… bất thường. 
Là bởi, cái cần khác thường thì lại không khác, còn cái cần như bình thường thì lại khác thường. 
Là loại hình kinh doanh dịch vụ bằng xe ô tô, nhưng dịch vụ cứu hộ giao thông không được điều chỉnh bởi Nghị định 86 về kinh doanh vận tải bằng ô tô. 
Là loại hình hoàn khác biệt rất lớn với các loại xe chuyên dùng về cơ chế hoạt động cũng như các yêu cầu khắt khe về phương tiện, trang thiết bị, nghiệp vụ, đạo đức để đảm bảo an toàn và phục vụ sự an toàn, thông suốt của giao thông, nhưng nó lại được xếp chung vào nhóm xe chuyên dùng khi đăng kiểm.
 Là dịch vụ thiết yếu đối với hoạt động giao thông, ảnh hưởng trực tiếp đến yếu tố an toàn đi lại và thông suốt của giao thông, nhưng việc cung ứng dịch vụ này và tổ chức hoạt động này lại hoàn toàn do thị trường quyết định. 
Cũng bởi thiếu những quy định đặc biệt để điều chỉnh hoạt động đặc thù của loại hình dịch vụ này, nên ngoài tình trạng “loạn giá”, mới có những sự cố mất an toàn trong quá trình thực hiện cứu hộ giao thông; mới có tình trạng đa phần tài xế lựa chọn cách tự xoay sở khắc phục sự cố giữa đường, thậm chí cả trên cao tốc, bất đắc dĩ mới gọi cứu hộ, dẫn đến những vụ tai nạn đáng tiếc. Mới có chuyện, có những sự cố xe tải hạng nặng, phải mất cả nửa ngày trời để được cứu hộ tiếp cận, bởi “đỏ mắt” tìm không ra xe cẩu kéo đủ năng lực, dẫn đến ùn tắc giao thông trầm trọng. 
Mới có những chuyện thật như đùa mà VOVGT từng đưa tin: cả mấy chiếc xe cứu hộ “rủ nhau” bị hỏng cùng một chỗ, khi tiếp cận giải cứu “đồng đội” của mình. Và mới có những trường hợp hành khách phải nuốt cả “cục tức”, khi đã phải trả giá dịch vụ quá cao, mà xe còn hư hỏng thêm trong quá trình cẩu kéo. 
Nếu có sự quản lý chặt chẽ về giá dịch vụ cứu hộ giao thông, sẽ không còn những bức xúc của khách hàng khi bị “chặt chém” gấp năm bảy lần. 
Cũng không còn chuyện, doanh nghiệp hạ giá bằng mọi cách để cạnh tranh hút khách, không từ cả việc giảm chất lượng trang thiết bị và nhân lực. Sự minh bạch về chi phí là cơ hội để các đơn vị cung ứng cạnh tranh lành mạnh với nhau bằng chất lượng dịch vụ, mang lại lợi ích cho nhiều phía. 
Nếu có những quy định riêng đối với xe cứu hộ về điều kiện đăng ký kinh doanh, điều kiện hoạt động, tiêu chuẩn đối với trang thiết bị và con người phục vụ hoạt động này, và cả những ưu đãi nhất định, đủ để khuyến khích doanh nghiệp dành ưu tiên hàng đầu cho vấn đề an toàn, cho sự khẩn trương tiếp cận khắc phục sự cố thay vì toan tính lợi nhuận, thì các vấn đề trên sẽ cơ bản được khắc phục. 
Cứu hộ giao thông không còn là dịch vụ mới. Và những bất cập bộc lộ trong thời gian qua là đủ để cơ quan chức năng tính đến việc đưa dịch vụ này vào danh mục các loại hình kinh doanh có điều kiện, để đảm bảo tính hiệu quả, trật tự và lành mạnh cần có./.  

 

Danh mục tin tức

Từ khóa

Được hỗ trợ bởi Dịch